Hướng dẫn đọc các chỉ số chống nắng thường gặp và lựa chọn sản phẩm chống nắng phù hợp nhất cho da.
Chống nắng là 1 bước cực kỳ quan trọng trong quy trình chăm sóc da hằng ngày. Dù trong bất cứ môi trường nào, việc chống nắng bảo vệ da luôn cần đặt lên hàng đầu. Bạn có thể sử dụng đến sự hỗ trợ của kính mát, nón mũ... và đặc biệt là không thể thiếu kem chống nắng, đặc biệt là trong khoảng thời gian này, khi chỉ số tia cục tím tại Sài Gòn và nhiều khu vực khác ở nước ta đang ở ngưỡng rất cao (trên dưới 10 trong thang đo 12), có khả năng gây ra lão hóa da, hư tổn, cháy nắng, sạm đen da, ung thư da và cả hư tổn giác mạc... Tuy nhiên kem chống nắng là gì, lựa chọn chỉ số chống nắng ra sao, chọn kem chống nắng nào thì tốt nhất và chống nắng như thế náo để bảo vệ da tốt nhất, hãy cùng Moon tìm hiểu một số khái niệm cơ bản nhé!
1. Kem chống nắng là gì?
Nói ngắn gọn thì kem chống nắng là các sản phẩm dưỡng da có chứa các thành phần hoạt chất giúp hình thành màng chắn bảo vệ da khỏi tác động của ánh nắng mặt trời và tia tử ngoại (UV). Khả năng chống nắng cao hay thấp thường được thể hiện bằng chỉ số SPF (Sun Protection Factor) hoặc chỉ số IP (Indice de Protection) trên sản phẩm.
2. Có những loại tia tử ngoại nào đang tồn tại?
Theo Moon được biết, tia tử ngoại hay tia UV được các nhà khoa học chia làm 3 tia chính với tên gọi phân biệt như UVA, UVB, UVC. Mỗi tia sẽ có những đặc tính và ảnh hưởng khác nhau lên da người, từ đó với mỗi loại tia, nhu cầu chăm sóc da riêng, bạn sẽ chọn cho mình sản phẩm phù hợp nhất.
Trong số các tia, UVC thường bị phản xạ bởi tầng Ozone, hạn chế khả năng tiếp xúc với da
Trong các tia này, UVC được cho là có khả năng gây hiện tượng ung thư da cao nhất, là loại tia nguy hiểm nhất. Tuy nhiên điều đáng mừng là tia này lại dễ dàng bị tầng ozone hấp thụ và phản xạ ngược lại nên thường không đến được mặt đất. Nhưng điều đáng lo ngại cũng chính là nhiều khu vực tầng ozone gần đây có hiện tượng thủng và mỏng đi, tiềm tàng nguy cơ cao về vấn đề ung thư da trong thời gian tới vì hiện nay gần 99% sản phẩm chống nắng không thể chứng minh được khả năng chống lại tia UVC để bảo vệ da.
Trong khi đó, tia UVB nếu tác động thường chỉ gây ảnh hưởng lên lớp biểu bì (lớp da ngoài cùng), khiến da có hiện tượng cháy nắng (khi đi biển, khi ra nắng trong thời gian dài), gây đen, sạm da, có khả năng dẫn đến ung thư nếu tiếp xúc quá thường xuyên. Tia UVB có cường độ cao nhất là trong khoảng thời gian từ 10- 14g hằng ngày, đỉnh điểm vào mùa hè. Tia này thì không xuyên được qua kính, chỉ có thể phản xã qua kính hay mặt nước.
UVB có khả năng làm sạm đen da, gây lão hóa; UVA có khả năng gây thay đổi DNA, nám, đốm nâu và ung thư da
Chiếm tỷ lệ cao nhất trong 3 tia UV là UVA, lên đến 95% bức xạ mặt trời. Bất cứ thời điểm nào cũng luôn tồn tại tia UV, dù mùa hè, xuân hay đông, dù trời nắng hay râm mát. Do đó, nếu đang chủ quan về việc che chắn bảo vệ da, các nàng hãy mau chóng trang bị lại nhé, dù trời có râm mát, cũng đừng lơ là trong việc chống nắng hằng ngày. Tia UVA còn có khả năng đi xuyên qua kính và nhiều loại vải, tác động lên bề mặt da ít nhiều. Dù không gây đen da nhưng UVA lại là tác nhân gây ra những tổn thương bên trong như phá hủy hệ thống Collagen, Elastin, tạo ra gốc tự do, khiến da lão hóa, chùng nhão, nếp nhăn hình thành, da sạm nám, gây đột biến về DNA và cũng có khả năng gây ra ung thư da.
3. Những loại kem chống nắng thường gặp
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều dòng sản phẩm chống nắng khác nhau. Dù gọi chung là chống nắng nhưng mỗi sản phẩm đều sẽ mang những công dụng riêng biệt. Hiểu được sự khác biệt này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc chọn sản phẩm thích hợp. Chẳng hạn như, chống nắng hiện nay chia làm 2 loại chính, dạng chống nắng vật lý (Sunblock) và dạng chống nắng hóa học (Sunscreen). Trên mỗi sản phẩm đều sẽ ghi rất rõ về thông tin này, bạn chỉ cần để ý 1 chút là sẽ thấy ngay.
Kem chống nắng vật lý thường phản xạ tia UV, kem chống nắng hóa học lại hấp thụ tia UV
a. SUNBLOCK
Cơ chế hoạt động của Sunblock vận hành như 1 bức tường kiên cố trên bề mặt da, có khả năng phản xạ, khuếch tán lại tia UV. Sunblock thường không sử dụng các hóa chất mạnh để chống nắng bảo vệ da, do đó nếu trẻ em cần sử dụng chống nắng thì dòng Sunblock này cực kỳ thích hợp, người da nhạy cảm cũng nên lựa chọn sản phẩm này để dùng hằng ngày.
Thông thường Sunblock sẽ chứa 2 thành phần chống nắng Titanium Dioxide và Zinc Oxide, 2 thành phần ít gây kích ứng da và chống nắng rất tốt.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, sử dụng kem chống nắng dạng Sunblock thì không cần phải lo lắng nhiều về việc thoa lại kem sau mỗi 2-3 tiếng vì Sunblock chống nắng cao và duy trì được trong thời gian rất lâu, có nhiều ưu điểm hơn Sunscreen. Do đó, một số sản phẩm dù là Sunscreen lại vẫn ghi là Sunblock, để lựa chọn đúng sản phẩm, các nàng hãy để ý kỹ 1 tí về thông tin thành phần nhé.
Tuy nhiên, nhược điểm chính của Sunblock là khả năng tiệp màu da khá chậm, nghĩa là sau khi thoa lên da sẽ dễ dàng trông thấy vệt kem trắng, chỉ sau này công nghệ phát triển hơn, 1 số kem chống nắng Sunblock mới cải thiện được vấn đề nan giải này.
b. SUNSCREEN
Sunscreen thì không phản xạ hay khuếch tán tia UV mà hoạt động như 1 màng lọc hóa học, có khả năng hấp thụ tốt tia UVB nhưng lại chỉ lọc được 1 phần UVA. Chỉ cho đến gần đây, với sự hỗ trợ thêm của 1 số hóa chất mới như Octylcrylene hay Benzophenone, khả năng lọc tia UVA này mới được cải thiện, đặc biệt là Avobenzone gần như đã có thể lọc hoàn toàn tia UVA.
Tuy nhiên, cũng vì chứa nhiều hóa chất mà sản phẩm chống nắng dạng Sunscreen khá dễ gây kích ứng da. Bên cạnh đó, nhược điểm của sản phẩm này là cần thoa lại sau mỗi 2 - 3 giờ vì thời gian kem chống nắng lưu lại trên da và phát huy tác dụng khá thấp, nhưng bù lại, Sunscreen lại tiệp khá nhanh vào da và tạo cảm giác da đều màu hơn.
4. CHỈ SỐ CHỐNG NẮNG LÀ GÌ? CÁCH ĐỌC CÁC CHỈ SỐ CHỐNG NẮNG TRÊN SẢN PHẨM
Thông thường, chỉ số SPF trên sản phẩm sẽ giúp chỉ ra khả năng chống nắng riêng, thời gian kéo dài đa dạng. Khi đọc chỉ chống nắng, SPF sẽ cho biết khả năng chống lại tia UVB, khi SPF càng cao càng bảo vệ da khỏi tia UVB, thời gian bảo vệ cũng lâu hơn, đồng nghĩa với thời gian phải thoa lại kem chống nắng cũng kéo dài. 1 đơn vị SPF được tính tương đương với 10 phút sử dụng, chẳng hạn như kem chống nắng có chỉ số 15, có thể bảo vệ da trong 150 phút. Chỉ số SPF thấp nhất hiện nay là 10 và cao nhất là 100.
Từ SPF50 trở đi, khả năng chống nắng của sản phẩm không chênh lệch nhiều
Chỉ số SPF càng cao, khả năng lọc tia UVB càng tốt, tuy nhiên khả năng này lại chênh lệch không quá nhiều.
Khả năng chống tia UVA lại thể hiện thông qua 4 chỉ số đặc trưng sau:
►Chỉ số sao UVA, UVA Ultra: nếu quan sát thấy trên sản phẩm có 1 vòng tròn thể hiện hình ảnh các ngôi sao, tối thiểu là 3 (do EU quy định), đây chính là chỉ số chống UVA của kem chống nắng. Số sao từ 4 - 5 cho thấy sản phẩm càng chống nắng hiệu quả cao hơn.
► Chỉ số PA (Protection factor of UVA - khả năng lọc UVA) với dấu + phía sau thể hiện thời gian hiệu quả của sản phẩm. Sản phẩm với 1 + có khả năng bảo vệ làn da trong 4 giờ đồng hồ (hiệu quả khoáng 40 - 50%), PA++ dùng tốt trong 6 - 8h (hiệu quả khoáng 60 - 70%), PA+++ là dấu hiệu của sản phẩm chống nắng cực mạnh trên 8h (hiệu quả vào khoảng 90%) và PA++++ là chỉ số chống tia UVA cao nhất hiện nay với khả năng chống hoàn hảo đến 90% UVA.
Thời gian tiếp xúc với nắng, tone màu da và chỉ số SPF liên quan
► Sản phẩm có ghi 2 chỉ số: một số sản phẩm chống nắng bạn sẽ không thấy chỉ số riêng lẻ nhất định mà thể hiện dưới dạng 2 số ví dụ SPF60-12; SPF 20A 20B; SPF 60 A=B, điều đó đồng nghĩa với việc sản phẩm vừa có khả năng chống UVB vừa có khả năng chống UVA
► Chỉ số SPF phổ rộng: các sản phẩm có khả năng chống nắng phổ rộng thường được ghi chú trên bao bì dòng chữ "Broad Spectrum" hoặc "Full Spectrum", sử dụng được để chống cả tia UVB và UVA.
Còn lại, các sản phẩm dù ghi có khả năng chống UVA nhưng không có 1 trong 4 dấu hiệu trên thì cần xem kỹ càng trước khi quyết định mua bạn nhé.
5. CHỌN KEM CHỐNG NẮNG CHỈ SỐ BAO NHIÊU LÀ ĐỦ?
Da khi có chống nắng và không có chống nắng
Nhiều người có quan điểm cho rằng chỉ số chống nắng càng cao bảo vệ da càng tốt. Dù theo lý thuyết điều này khá đúng, tuy nhiên, chỉ số chống nắng SPF chỉ thể hiện khả năng chống tia UVB, khả năng lọc tia UVA còn phải phụ thuộc vào 4 dấu hiệu đã nêu trên. Bên cạnh đó, chỉ số SPF càng cao, kem càng lưu lại trên da càng lâu, càng dễ dàng gây bưng bít lỗ chân lông, khiến da sinh mụn, da dễ tổn thương, nhanh chóng xuất hiện dấu hiệu lão hóa da. Khả năng lọc và chống tia UVB lại không quá cách biệt giữa các chỉ số chống nắng từ 50 trở lên, do đó, các chuyên gia cho rằng SPF trong khoảng 30 - 60 là sự lựa chọn thích hợp nhất hiện nay. Các sản phẩm từ 60 - 100 chỉ nên dùng trong những trường hợp đang điều trị sạm, nám da hay da kích ứng với ánh nắng.
Tại Úc và một số nước châu Âu, chỉ số chống nắng SPF hiện đang được giới hạn không vượt quá SPF50 các nàng nhé.
Bên cạnh đó, với chỉ số tia UV đang ở mức cao như nhiều khu vực ở Việt Nam chúng ta hiện nay (mức 10), đừng quên tăng cường bảo vệ da với nón mũ, kiếng mát, quần áo che chắn và hạn chế tối đa việc tiếp xúc với ánh nắng nhé!
***Mọi thông tin, chia sẻ trên trang đều theo quan điểm cá nhân của riêng mình, là những trải nghiệm thực tế của bản thân, mọi phương pháp làm đẹp hay sản phẩm có thể hiệu quả với mình nhưng có thể không phù hợp với một vài trường hợp. Bài viết được cung cấp trên trang không nhằm mục đích đưa ra các lời khuyên về mặt y học, chỉ hy vọng được cùng chia sẻ những kiến thức nhỏ trong làm đẹp và chăm sóc da cùng mọi người. Mình hy vọng sẽ nhận được thêm nhiều phản hồi từ bạn đọc. Cám ơn các bạn đã đọc bài viết của mình.