Thành phần cải tiến PHA đang dần có mặt trong các sản phẩm làm sáng, mịn da với những đặc tính nổi bật hơn hẳn.

Trong rất nhiều bài viết trước đây của Moon, AHAs và BHA là 2 thành phần được nhắc đến khá nhiều. Còn hôm nay Moon muốn giới thiệu với các bạn một hoạt chất mới, được đánh giá là thế hệ tiên tiến của AHAs - là PHA, hay còn gọi Polyhydroxy Acids.

Thành phần này xuất hiện từ rất sớm, khoảng thập niên 70 và 90 trong quá trình sáng lập nên công ty mỹ phẩm Neostrata and Exuviance. Tuy nhiên mãi đến thời gian gần đây PHA mới xuất hiện phổ biến. Vậy PHA có công dụng gì và có phải là một giải pháp dưỡng da đặc biệt mà bạn đã bỏ sót hay không? Cùng Moon tìm câu trả lời nhé! 

Poly hydroxy acids (PHAs) có nhiều nhóm hydroxyl nhưng ít nhất có một nhóm gắn vào vị trí alpha của mạch carbon, nên có thể coi PHAs là một AHAs. Hai đại diện thường gặp là gluconolactone và lactobionic acid.

Các acid trong nhóm PHA với kết cấu phân tử lớn hơn so với AHA và BHA, nên sản phẩm có chứa hoạt chất này chỉ phát huy tác dụng trên bề mặt biểu bì da mà không làm tổn thương các tầng mong manh phía dưới. 

Ngoài ra, phân tử PHA có khả năng thu hút ẩm tốt, ngăn không để da bị khô ráp sau khi tẩy da chết. Do đó PHA thường được gợi ý cho da nhạy cảm hoặc với những bạn mới bắt đầu sử dụng acid để dưỡng da.

Cùng vì bản chất dịu nhẹ hơn các nhóm acid khác nên PHA có thể kết hợp với các thành phần dưỡng da như AHA, BHA, vitamin A, retinol… để tăng hiệu quả như mong muốn. Nhưng không phải vì vậy mà bạn “tha hồ” phối trộn các loại sản phẩm với nhau đâu nhé!

Với bạn nào chưa từng sử dụng acid để dưỡng da thì Moon khuyên các bạn nên bắt đầu với các sản phẩm có nồng độ thấp trước để da làm quen và tránh bị kích ứng. 

Công dụng của PHA

Giống AHAs, PHAs có các tác động chống lão hóa thông qua sự tăng sản sinh collagen, tăng phân bào và tác động chống tăng sắc tố thông qua việc ức chế trực tiếp enzyme tyrosine kinase. Các chuyên gia da liễu còn phát hiện PHA giúp “trục xuất” lượng sắt thừa trên da, nguyên nhân khiến da mặt bị già hóa sớm.

Một nghiên cứu khác cùng chỉ ra rằng PHAs làm gia tăng khả năng chống chịu của da đối với tác hại của tia UV bằng cách ức chế các gốc tự do, ngăn chặn sự ảnh hưởng của UV với elastin – một mô sợi giúp da săn chắc và đàn hồi. Nghiên cứu này cũng cho thấy việc sử dụng PHAs không không làm gia tăng độ nhạy cảm của da với ánh nắng mặt trời.

Nhưng bước thoa kem chống nắng vẫn phải duy trì đều đặn cả nhà nhé, đặc biệt là khi bạn sử dụng acid để chăm sóc hay trị liệu da. 

Bên cạnh đó, hoạt chất PHA được ứng dụng trong các dòng sản phẩm dưỡng ẩm và trị mụn vì khả năng cung cấp độ ẩm nổi trội hơn so với người anh em cùng nhóm của mình. Cụ thể là gluconolactone có thể thực hiện chức năng của một humectant, gia tăng độ ẩm cho da bằng cách tăng hấp thu nước vào trong lớp biểu bì. 

Về hoạt tính trị mụn, khả năng trị mụn của PHAs 14% tương đương với Benzoyl peroxide 5% nhưng hầu như không gây kích ứng và khô da mạnh như benzoyl peroxide.

Tính hiệu quả của PHA

Đối với một sản phẩm chống lão hóa hay tẩy tế bào chết, dĩ nhiên không thể trông đợi vào một tác động tức thì mà cần sự kiên nhẫn và thời gian. PHAs và cả AHAs cũng không phải là ngoại lệ. 

Theo Moon tìm hiểu, cũng như kinh nghiệm của bản thân, thông thường kết quả nhận thấy được trên da đến sau khoảng 12 tuần. Sau 12 tuần sử dụng, cả AHAs và PHAs đều cho thấy khả năng chống lão hóa của mình thông qua các biểu hiện: làm săn chắc da, thu nhỏ lỗ chân lông, làm sáng màu da, giảm nếp nhăn,…. Tuy nhiên, đi cùng với những cải thiện về mặt cấu trúc, thì da của những nguời dùng AHAs có xu hướng bị đỏ, châm chích và rát da nhiều hơn so với trước khi sử dụng còn những người dùng PHAs lại nhận thấy một kết quả trái ngược hoàn toàn.

Do đó, trong thời gian tới, nếu mọi người đang muốn tập tành sử dụng acid trong routine skincare hàng ngày của mình thì PHA sẽ là option phù hợp hơn cả đó!

Nguồn tham khảo: www.ncbi.nlm.nih.gov

- www.moontruong.com -