Là phụ nữ, chắc chắn bạn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về da khác nhau, chẳng hạn như lão hóa da, sạm nám da, tàn nhang, đồi mồi, mụn, thấm chí là những vấn đề về da thông thường khác như dầu nhờn, lỗ chân lông to...ngay cả thời điểm mang thai, những vấn đề này vẫn xảy ra, khiến nhiều chị em khá băn khoăn liệu có nên sử dụng mỹ phẩm trong thời gian này, vì các thông tin đều cho rằng da thời điểm này khá nhạy cảm và nên hạn chế hoặc tránh sử dụng mỹ phẩm trên da nhằm tránh tối đa các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến trẻ.
Gần đây, Moon cũng bắt đầu nhận được 1 vài email từ bạn đọc hỏi về các sản phẩm chăm sóc da an toàn khi mang thai hoặc cho con bú, và thực sự Moon không phải là 1 bác sĩ chuyên ngành nên không thể cho bạn lời khuyên chính xác hoàn toàn, vì vậy tốt nhất bạn vẫn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ (sản khoa, phụ khoa, da liễu) để có những hướng dẫn cụ thể nhất. Nhưng theo Moon, đa số các phụ nữ mang thai và cho con bú hiện nay đều khá thiếu thông tin về chăm sóc da cũng như sản phẩm bổ sung trong giai đoạn này. Do đó sau khi tham khảo từ nhiều nguồn, Moon quyết định viết 1 bài chia sẻ không phải về sản phẩm nên dùng mà là về những thành phần nên tránh sử dụng để có thể bảo vệ làn da cũng như thai nhi hiệu quả nhất. Chúng ta cùng tham khảo nhé!
Accutane (đường uống)
Accutane (isotretinoin) là 1 dẫn xuất của vitamin A thường được chỉ định cho bệnh nhân trị mụn. Theo tổ chức Organization of Teratology Information Services (OTIS), phụ nữ khi dùng Accutane trong 12 tuần đầu của quá trình mang thai có thể gặp phải nguy cơ dị tật bẩm sinh nghiêm trọng, bao gồm cả khiếm khuyết não, tim ở thai nhi, chậm phát triển trí tuệ và các dị tật bẩm sinh khác.
1 thực tế đã từng cho thấy 1 trong 4 em bé trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ đã gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng khi tiếp xúc với Accutane.
Những phụ nữ đang dùng Accutane và sự định có kế hoạch mang thai thường được khuyên bởi tổ chức OTIS là ngừng sử dụng sản phẩm 1 tháng trước kế hoạch nhằm đảm bảo chắc chắn rằng sản phẩm đã ra khỏi máu hoàn toàn.
Retin-A, Avita, Renova (thoa ngoài)
Retin-A, Avita và Revona là những sản phẩm có chứa Tretinoin giống như Accutane. Những sản phẩm này thường được chỉ định sử dụng để cải thiện mụn, gia tăng sắc tố, nếp nhăn, lão hóa da và cải thiện cấu trúc da.
Các sản phẩm này thường chứa khoảng 0.025-0.1% tretinoin và thoa lên bề mặt da, trong khi Accutane thường được dùng ở lượng 10-40mg theo đường uống.
1 nghiên cứu năm 2002 ước tính rằng, nếu khả năng hấp thụ ở mức tối đa là khoảng 33% xảy ra với sản phẩm thoa ngoài hằng ngày thì với khoảng 1g hay 1% tretinoin, 1 bệnh nhân cũng chỉ có thể nhận khoảng 1/7 từ lượng vitamin bổ sung này.
Thêm vào đó 1 nghiên cứu khác năm 1993 cũng khẳng định và kết luận rằng, tretinoin thoa ngoài không liên quan đến nguy cơ gia tăng rối loạn bẩm sinh nghiêm trọng. Tuy nhiên, tổ chức OTIS khuyên rằng để đảm bảo độ an toàn, phụ nữ vẫn nên ngừng sử dụng retin-A 1 tháng trước khi muốn có thai.
Các sản phẩm thoa ngoài không kê toa chứa retinoids (retinol, retinyl palmitate)
Một đánh giá vào năm 1999 thực hiện bởi G.Reis và R.Hess cho kết luận chính thức rằng các hình thức của Retinoids thường được sử dụng trong mỹ phẩm phải đảm bảo độ an toàn để sử dụng cho phụ nữ khi mang thai hay trong giai đoạn cho con bú.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn an toàn hơn cho trẻ, hãy ngưng dùng mỹ phẩm có chứa Retinol và Retinyl Palmitate trong 9 tháng.
Bổ sung chăm sóc da bằng Vitamin A thông qua đường uống
Sản phẩm bổ sung trong chăm sóc da thường chứa vitamin A. Tuy nhiên theo hiệp hội The Teratology Society - USRDA Hoa Kỳ, trong thời gian mang thai sử dụng khoảng 8.000IU/ngày là tiêu chuẩn. (1 IU = 0.3 microgram). Khảo sát chế độ ăn uống của người lớn tại Hoa Kỳ cũng cho thấy trung bình những người này vốn cũng đã tiêu thụ khoảng 7.000 - 8.000 IU vitamin A/ngày.
1 tỷ lệ cao hơn các trường hợp dị tật bẩm sinh được tìm thấy ở trẻ sơ sinh có mẹ tiêu thụ hơn 10.000 IU vitamin A/ngày và ít nhất là 7 trường hợp báo cáo về kết quả thai phụ liên quan đến hàm lượng vitamin A cao hơn 25.000IU/ngày.
Do đó phụ nữ nên xem xét tổng thể lại chế độ ăn uống có bổ sung vitamin A của mình trước khi dùng đến biện pháp bổ sung vitamin A khác.
Không bổ sung vitamin A quá mức cho phép ví thiếu hụt retinol khi mang thai cũng có thể liên quan đến thiếu máu và ván đề sức khỏe khác.
Tránh ánh nắng mặt trời quá nhiều
Thiếu hụt vitamin D ở phụ nữ mang thai có liên quan đến sự phát triển của bệnh đa xơ cứng ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra, bú sữa mẹ kéo dài mà không bổ sung vitamin D cũng là nguyên nhân gây ra bệnh còi xương. 1 nghiên cứu năm 2007 của đại học Pittsburgh cho thấy cả phụ nữ da đen và da trắng ở Bắc Mỹ có nguy cơ thiếu vitamin D cao, ngay cả khi dùng vitamin trước khi sinh. Do đó, phụ nữ mang thai nên dành 1 vài khoảng thời gian ngắn không dùng đến kem chống nắng, tốt nhất là vào sáng sớm, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để có đủ lượng vitamin D cần thiết.
1 tiến sĩ khác như Michael Holick của đại học Boston thì cho rằng thời điểm thích hợp nhất là 15 phút trong khoảng từ 10 - 16g, áp dụng đều đặn 1 tuần 3 lần. Phơi nắng cho vùng mặt, cánh tay, bàn tay.
Tiếp xúc với quá nhiều ánh nắng mặt trời không làm dư thừa vitamin D nhưng cung cấp quá mức vitamin D thông qua sản phẩm bổ sung lại có thể gây hiện tượng dư thừa vitamin D, kèm theo các triệu chứng buồn nôn, nôn, chán ăn, táo bón, suy nhược, mất trọng lượng, lắng đọng canxi và phosphate trong các mô mềm của cơ thể như thận. Vì vậy khi mang thai hay cho con bú, hãy cố gắng dành nhiều thời gian hơn để tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và dùng thực phẩm bổ sung vitamin D nhưng giữ tổng mức vitamin D từ thức ăn và thực phẩm bổ sung dưới 50mg hoặc 2000 IU.
Kem chống nắng chứa avobenzone hoặc oxybenzone
Thực tế thì đến nay chưa có 1 nghiên cứu cụ thể nào chứng minh avobenzone hay oxybenzone là độc hại, đa phần là giả thuyết về việc 2 thành phần này có khả năng hấp thụ qua da hoặc chỉ xuất hiện các xét nghiệm mẫu nước tiểu cho thấy có sự có mặt của hợp chất hóa học trong 96.8% mẫu thử nước tiểu.
Tuy nhiên 1 thử nghiệm năm 2005 cho thấy dù 2 thành phần này (có trong 20-30% kem chống nắng hóa học) không gây hại khi thoa lên da nhưng lại có thể hấp thụ vào cơ thể và chuyển vào trong nước tiểu của người dùng đúng như các xét nghiệm ở trên đã thực hiện và cho ra kết quả.
Tiến sĩ Dr.Leslie Baumann, giám đốc của Cosmetic Dermatology tại Đại Học Miami thì cho rằng, Oxybenzone có độc tính cấp thấp khi thử nghiệm trên động vật, 1 số nghiên cứu khác lại cho rằng Oxybenzone cũng làm tăng lượng gốc tự do, có thể liên quan đến bệnh chàm và tăng nguy khả năng mắc phải nguy cơ ung thư vú... do đó loại kem chống nắng có chứa Oxybenzone hay avobenzone thường không dùng cho trẻ em.
Mặc dù khả năng hấp thụ tối đa khi dùng kem thoa ngoài của 2 thành phần này chỉ khoảng 33% nhưng tốt nhất vẫn nên sử dụng kem chống nắng không chứa Oxybenzone và Avobenzone, nhất là khi mang thai hay cho con bú.
1 phương pháp chống nắng thay thế đó chính là sử dụng kem chống nắng có chứa thành phần Zinc Oxide.
Salicyclic Acid
1 thông tin bổ sung được tìm thấy vào khoảng thời gian 12/11/2007 cho rằng, Salicylic Acid nếu sử dụng hàm lượng cao bằng đường uống có thể gây dị tật bẩm sinh hoặc các biến chứng khi mang thai. Tuy nhiên 1 lượng nhỏ khi thoa lên da, chẳng hạn như nước hoa hồng có chứa Salicylic Acid dùng 1 hay 2 lần 1 ngày vẫn được cho là an toàn.
Nhưng vấn đề sử dụng Salicylic Acid trong việc peel face hay body có chứa hàm lượng cao hơn của Salicylic Acid lại là 1 vấn đề cần quan tâm. Sử dụng hàm lượng cao vào lúc này cũng tương tự như việc dùng 1 hay nhiều viên aspirin khi mang thai.
Theo trang web babycenter.com, bạn tốt nhất nên tham khảo ý kiến của chuyên gia về bất cứ sản phẩm nào cần sử dụng có chứa Salicylic Acid và nên tránh việc sử dụng sản phẩm bổ sung đường uống có chưa Salicylic Acid hay BHAs vào thời điểm này (Salicylic Acid là 1 BHA)
Hạn chế sử dụng đậu nành (Soy) không phải active soy hoặc tinh dầu bergamot
Nhiều phụ nữ trong giai đoạn mang thai, làn da thường dễ tối màu (hay gọi là mặt nạ thai kỳ), do tác động từ việc cơ thể sản xuất melanin quá mức.
Theo babycenter.com, sản phẩm chứa đậu nành (soy) và tinh dầu bergamot có ảnh hưởng lớn đến estrogen - yếu tố có thể khiến hình thức nám sạm da này càng trở nên tệ hơn. Tuy nhiên các sản phẩm có chứa "active soy", trong đó có chứa hợp chất estrogen được chiết xuất lại không làm trầm trọng thêm tình trạng nám da như những sản phẩm khác.
Kết luận
Tóm lại, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú nên thay đổi chế độ chăm sóc da của mình, không sử dụng Accutane, tránh dùng thuốc bổ sung có chứa Salicylic Acid hoặc BHA, mỗi ngày để cơ thể có khoảng 15 phút tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào thời gian cao điểm trong ngày (10:00 - 16:00) - 3 lần 1 tuần để có được đủ lượng vitamin D cần thiết hoặc tham khảo thêm ý kiến bác sĩ để bổ sung thích hợp.
Bạn cũng nên tránh sử dụng sản phẩm có chứa dầu cam Bergamot hoặc đậu nành (mặc dù đậu nành hoạt động active soy là an toàn) để tránh sự phát triển nặng hơn những vùng da sạm màu.
Để đảm bảo an toàn, ngưng sử dụng Retin-A 1 tháng trước khi có ý muốn mang thai, ngưng sử dụng mặt nạ và phương pháp điều trị mụn trứng cá có chứa Salicylic Acid, thận trọng về việc bổ sung vitamin A trong khi mang thai hoặc cho con bú.
Đặc biệt trong giai đoạn này nên ngừng sử dụng sản phẩm chăm sóc da có chứa Retinol hoặc Retinyl palmitate và ngừng dùng kem chống nắng có chứa Oxybenzone hoặc Avobenzone.
Luôn luôn tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn có bất kỳ thắc mắc trong quá trình mang thai và cho bé bú.