Viêm nang lông khiến da nổi mẩn ngứa, mụn đỏ gây khó chịu và ảnh hưởng thẩm mỹ da. Hãy thử những cách sau để cải thiện tình trạng này nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Với thời tiết mùa hè oi bức này, Moon nghĩ sẽ rất thích hợp cho 1 bài viết về tình trạng viêm da khá phổ biến đó chính là viêm nang lông.
Bạn có bao giờ từng bị viêm nang lông mà không hiểu nguyên nhân vì sao? Bạn đang bị viêm nang lông và trăn trở vì không biết phải giải quyết như thế nào? Với những trường hợp viêm nang lông nhẹ, chỉ cần da nổi mẩn ngứa li ti khắp 1 vùng diện tích rộng cũng đủ khiến các bạn gái khó xử và lo lắng. Vì vậy nếu như căn bệnh này đang làm bạn đau đầu thì hãy thử xem bài viết của Moon có thể mang đến thông tin gì hữu ích hơn để đẩy lùi nhanh chóng hiện tượng này, trả lại cho bạn làn da mịn màng như cũ không nhé!
Viêm nang lông: nguyên nhân và cách chữa trị
Những nguyên nhân làm phát sinh viêm nang lông
Muốn phòng ngừa viêm nang lông hiệu quả thì những thông tin về nguyên nhân bệnh viêm nang lông viêm lỗ chân sẽ vô cùng quan trọng, bởi hiểu được thủ phạm chúng ta sẽ biết cách phòng ngừa cũng như dễ dàng điều trị bệnh dứt điểm. Các chuyên gia đã đưa ra một số một số yếu tố có nguy cơ cao gây nên bệnh viêm lỗ chân lông như:
Không phải chỉ 1 mà có rất nhiều nguyên nhân có thể làm phát sinh hiện tượng viêm nang lông ở 1 người. Chúng ta nghĩ vệ sinh da kém chính là nguyên nhân chính, nhưng thực tế thống kê cho thấy có đến 60% - 1 tỷ lệ khá cao những người mắc bệnh này thường có người thân cũng từng mắc phải nhưng chưa có 1 nghiên cứu nào đảm bảo chắc chắn rằng căn bệnh này có thể di truyền giữa người nhà với nhau.
Ngoài nguyên nhân này, một số nguyên nhân khác như vệ sinh da kém (ảnh hưởng từ bồn nước nóng, bồn tạo sóng, nước hồ bơi không được xử lý đúng cách với Chlorine), ảnh hưởng từ việc waxing, thuốc kháng sinh hay do tuyến dầu ở 1 số vùng trên da hoạt động mạnh cũng có thể gây ra viêm nang lông. Khi tế bào chết, dịch bã nhờn kết hợp với nhau hoặc kết hợp thêm cùng mỹ phẩm, hóa chất (mỹ phẩm trang điểm, thành phần như bơ ca cao...) dễ dàng gây bít lỗ chân lông, dần tích tụ tạo nên môi trường cho vi khuẩn, nấm, virus phát triển và phát sinh bệnh. Trường hợp nặng có thể phát triển thành viêm mủ chân lông.
Trường hợp thuốc kháng sinh có thể giải thích như sau, khi kháng sinh được sử dụng trong thời gian dài sẽ vô tình tiêu diệt các vi khuẩn có lợi trong cơ thể, cũng từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm da.
Việc waxing lông nếu làm không đúng cách, gây trầy xước, tổn thương hay nhiễm trùng da cũng sẽ làm những vùng da này trở nên viêm nặng.
Mặc quần áo chật, bó sát, hững cọ xát của quần áo và da cũng có thể gây kích ứng các nang lông, dẫn đến viêm nang lông.
Những khu vực da bị viêm nang lông phổ biến nhất điển hình như khu vực râu nếu là nam giới, cánh tay, lưng, vùng mông và chân.
Dấu hiệu dễ nhận biết cho trường hợp này đó là khi bạn cảm thấy làn da của mình như xuất hiện các nốt mụn nhỏ màu đỏ với chân lông ở giữa. Mụn này có thể có mủ hoặc không và thường mang lại cảm giác ngứa, bỏng rát. Trường hợp nặng, khi mụn vỡ có thể làm chảy máu hay mủ.
Tuy nhiên có 1 trường hợp viêm nang đặc biệt còn được gọi là "Hot tub folliculitis" thường sẽ xuất hiện 72 giờ sau khi bạn sử dụng bồn nước nóng hoặc đi Spa. Các mụn nhỏ li ti sẽ xuất hiện dày đặc trên vùng bụng, tay và chân, bạn cũng có thể bị sốt nhẹ nhưng loại viêm nang lông này sẽ tự hết trong 7 - 10 ngày.
Cách cải thiện tình trạng viêm nang lông
Nếu trường hợp viêm nang lông của bạn thuộc dạng nặng, chắc chắn cần phải có sự tư vấn của bác sĩ chuyên về da liễu. Các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra da, hỏi thăm thêm về sức khỏe và các hoạt động gần đây của bạn.
Một số xét nghiệm cũng sẽ được thực hiện để đảm bảo rằng bạn đang kh6ng gặp vấn đề nào khác chẳng hạn như nổi ban nhiệt.
Các trường hợp viêm nang lông nhẹ thì thường tự phục hồi sau khoảng 2 tuần. Do đó bạn hoàn toàn có thể tự chăm sóc bản thân mình tại nhà bằng 1 số biện pháp như sau:
- Chườm khăn ấm: có thể giúp giảm ngứa và giảm bệnh này hiệu quả. Bạn chỉ cần ngâm 1 chiếc khăn tay trong nước ấm, loại bỏ phần nước thừa và chườm khăn lên vùng da bị viêm.
- Dầu gội trị liệu: những loại dầu gội này sẽ được sử dụng để chăm sóc vùng da đầu hay vùng da gần khu vực râu bị viêm nang lông.
- Những loại kem sử dụng cho trường hợp viêm nhẹ bao gồm các kem chống vi khuẩn được bán tự do tại các quầy thuốc như Benzoyl Peroxide (Clearisil, Proactiv), chlorhexidine (Hibiclens) hoặc Phisoderm 2 lần 1 ngày. Kết quả tốt nhất có thể đạt được bằng việc kết hợp sử dụng các sản phẩm thoa ngoài da và dung dịch vệ sinh diệt khuẩn.
- Điều trị viêm nang lông toàn thân bằng nguyên liệu tự nhiên, bạn có thể thử phương pháp dùng 1 giọt dung dịch dấm trắng pha loãng với 4 phần nước, ngâm phần da viêm vào nước này.
Nếu tình trạng viêm trở nên tồi tệ hơn hoặc không biến mất sau 2 tuần, bạn có thể cần đi khám bác sĩ để được kê toa thuốc như thuốc kháng sinh.
Từ mức viêm trung bình trở lên có thể được yêu cầu sử dụng các kem như clindamycin hoặc metronidazole. 1 đợt điều trị kháng sinh bằng đường uống có thể kéo dài từ 5 - 30 ngày như cephalexin (Keflex), dicloxacillin (Dynapen), doxycycline, minocycline (Dynacin, minocin), ciprofloxacin (cipro) hoặc levofloxacin (Levaquin)...
Ngoài ra, để ngăn ngừa bệnh viêm nang lông, bạn có thể duy trì 1 số thói quen tốt cho mình như sau:
- Tắm mỗi ngày bằng xà bông dịu nhẹ. Ngoài ra, sau khi tập thể dục hay làm việc gần hóa chất, bạn cũng nên làm vệ sinh da thật kỹ.
- Tránh dùng chung khăn tắm, khăn lau hay vật dụng cá nhân với người khác. Nếu bị viêm nang lông hãy sử dụng khăn sạch cho riêng mình và thay khăn mỗi lần tắm.
- Tránh có sát mạnh lên da và khi viêm da cũng tránh có sát vùng da này dù ngứa hay khó chịu vì rất dễ lây lan và để lại thâm.
- Thời điểm viêm nang lông, tránh sử dụng các loại dầu dưỡng vì dầu có thể giữ vi khuẩn nhiều hơn trong các lỗ chân lông và gây viêm da.
- Sau khi sử dụng bồn nước tắm công cộng hay Spa, hãy tắm sạch lại da với xà bông. Nếu bạn hay tắm bồn tại nhà, cũng nên làm vệ sinh bồn và nước theo đúng quy cách nữa nhé.