Bí quyết giúp ngăn ngừa, chữa lành tổn thương và cải thiện nhanh chóng da cháy nắng, sạm màu. Click để xem ngay!
"Phải làm gì nếu bị cháy nắng?" là 1 trong những câu hỏi Moon nhận được rất nhiều inbox cũng như email gửi về moontruong.beauty@gmail.com. Đặc biệt với khí hậu thời tiết như nước ta, nếu bảo vệ da tốt, việc da cháy nắng hoàn toàn có thể giảm thiểu. Tuy nhiên, nếu bạn bỗng nhiên cần 1 chuyến du lịch xa, đi chơi biển vào mùa hè, thời điểm nắng nóng lên đến đỉnh điểm, làm thế nào để khắc phục những hư tổn về da nếu cháy nắng xảy ra?
Dù bạn có thể đã sử dụng sản phẩm chống nắng phổ rộng với chỉ số cực cao kết hợp cùng nhiều biện pháp tránh nắng khác nhưng thỉnh thoảng những nỗ lực này có thể vẫn không giúp bảo vệ da hoàn toàn 100%. Dưới đây, Moon sẽ chia sẽ 1 số bí kíp khá quan trọng để giúp bạn giảm thiểu tối đa nguy cơ cháy nắng, sạm da trong những thời điểm này nhé!
Dấu hiệu đầu tiên của hiện tượng cháy nắng mà hầu hết mọi người có thể nhận thấy đó là sự thay đổi màu sắc da, thường là vùng da màu hồng sáng. Sau đó, vùng da bỏng nắng này sẽ tiếp tục phát triển trong 12 - 24 giờ tiếp theo, vì vậy điều quan trọng là phải thực hiện các bước chăm sóc da kế tiếp thật đúng cách và càng sớm càng tốt.
Dưới đây là những điều bạn nên thực hiện ngay khi cảm thấy làn da đang bị cháy nắng:
HÃY
- Lập tức di chuyển khỏi khu vực có ánh nắng, lý tưởng nhất, bạn nên vào nhà hoặc khu vực hoàn toàn rợp bóng râm.
- Làm mát vùng da bỏng càng sớm càng tốt, hãy sử dụng gạc ẩm lạnh hoặc túi nước đá được bọc bằng 1 khăn bông. Biện pháp làm lạnh này có thể giúp xua tan nhanh cảm giác nóng âm ỉ dưới da đồng thời giúp giảm viêm da hiệu quả. Bạn hãy cố gắng duy trì chườm lạnh trong vài giờ.
- Nếu da không phồng rộp, hãy thoa 1 loại kem dưỡng ẩm không có hương liệu, có chứa các thành phần điều trị chống viêm, chống oxy hóa và có khả năng sữa chữa tế bào da chẳng hạn như sản phẩm chiết xuất từ gel lô hội.
- Nếu da bị phồng rộp, hãy sử dụng bông băng sạch đắp lên vùng da bỏng để bảo vệ các mụn nước khỏi tình trạng bị nhiễm trùng.
- Nên sử dụng các sản phẩm thuốc giảm đau, chống viêm như ibuprofen (Advil) hoặc Naproxen (Aleve).
- Cháy nắng có thể khiến da mất nước, do đó để giúp da phục hồi, hãy tăng cường uống nước.
ĐỪNG
- Không nên để nước đá trực tiếp lên da, vì đá quá lạnh có thể khiến da thêm hư tổn
- Không nên che vùng da cháy nắng với lớp thuốc mỡ dày vì lớp mỡ này sẽ làm da giữ nhiệt bên dưới khiến vùng da bỏng tiếp tục bị hư tổn.
- Đừng chỉ dựa vào viêc sử dụng gel lô hội, ngoài sản phẩm này nên kết hợp thêm những sản phẩm chữa cháy nắng khác. Sử dụng 1 sản phẩm dưỡng ẩm với gel lô hội hoặc sử dụng gel lô hội với 1 loại kem dưỡng ẩm sẽ cho kết quả tốt hơn.
Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?
Khi nào bạn biết được rằng vùng da bị cháy nắng của bạn trở nên quá tệ và cần đến sự chăm sóc của bán sĩ? Đó là khi:
- Bạn cảm thấy mệt hay chóng mặt
- Mạch đập nhanh hoặc thở nhanh
- Da trở nên lạnh
- Cảm thấy buồn nôn, sốt, ớn lạnh hoặc phát ban
- Bị sốt, đau nghiêm trọng hoặc nhiễm bệnh
- Bạn vừa bị cháy nắng vừa say rượu
Da cháy nắng có thể tạo cảm giác đau và khó chịu, tuy nhiên nếu có phương pháp điều trị thích hợp và chu đáo, đây hoàn toàn không phải là 1 vấn đề khó hay kéo dài dai dẳng. Tuy nhiên tốt nhất vẫn là nên bảo vệ tốt cho da nhằm tránh tối đa trường hợp để da bị cháy nắng như thế này. Làm thế nào để đạt được điều này?
- Bạn đã kiểm tra ngày hết hạn của kem chống nắng của bạn chưa: không có kem chống nắng nào có thể sử dụng mãi mãi, phần lớn các sản phẩm đều có hạn sử dụng trên bao bì và 1 nguyên tắc quan trọng khi sử dụng là nên hạn chế dùng kem chống nắng đã hơn 1 năm tuổi. Bên cạnh đó, đừng quên cất giữ kem chống nắng nơi râm mát, nếu sản phẩm đã mở nắp và tiếp xúc thường xuyên với nhiệt hoặc ánh sáng sẽ vô tình làm giảm hiệu quả của sản phẩm.
- Bạn đã tránh nắng trong giờ cao điểm 10:00am-2:00pm chưa?
- Bạn chỉ sử dụng kem chống nắng mà không dùng đến quần áo bảo hộ, đội mũ, kính mát?
- Bạn có tìm đến bóng râm bất cứ khi nào có thể?
- Da sẫm mày hay ửng đỏ nhưng bạn không làm bất cứ điều gì để bảo vệ da khỏi việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời?
Khi sử dụng kem chống nắng không nên dùng quá nhiều cũng không nên dùng quá ít. Khi dùng cho mặt và cổ sử dụng lượng khoảng 7g cho mỗi khu vực. Lượng này xấp xỉ khoảng 1 muỗng cà phê ch mặt và tương tự cho cổ - đây là khuyến nghị chung của phần lớn các bác sĩ bạn nhé.
Bất cứ khi vực nào không được bảo vệ bởi quần áo, nên sử dụng đầy đủ kem chống nắng, chẳng hạn như vùng đỉnh tai, mu bàn tay, bàn chân.
Khi đi biển tránh chôn chân trong cát vì cát có thể lấy đi hoàn toàn lượng chống nắng khỏi chân vô tình làm da sạm màu.
Sau mỗi 2 tiếng, thoa lại kem chống nắng 1 lần là tốt nhất, vì kem chống nắng trôi đi ít hay nhiều đều khó bảo vệ da được tốt.
Các sản phẩm kem chống nắng chịu nước có thể giúp bảo vệ da lâu hơn, nhất là khi bạn đổ mồ hôi hay bơi lội, nhưng đừng quên thoa lại kem khi bạn lau khô da.
Nếu mồ hôi đổ nhiều hoặc bơi lội thường xuyên, nên thoa lại kem chống nắng chống nước trong 40 phút, bất kể đó là sản phẩm có chỉ số bao nhiêu. Nếu sản phẩm có dãn nhãn "chống nước cực mạnh", thời gian này có thể kéo dài lên đến 80 phút trước khi thoa lại.
Một số thành phần trong viên uống và sản phẩm thoa ngoài có thê gây ra hiện tượng nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Càng nhạy cảm da càng dễ bị cháy nắng. Do đó đừng quên kiểm tra kỹ thành phần có trong sản phẩm uống và sản phẩm chăm sóc da trước khi sử dụng nhé.
Dưới đây là 1 số thành phần chăm sóc da có thể làm tăng độ nhạy cảm của da với ánh nắng mặt trời, chẳng hạn như:
- AHAs: Glycolic Acid hoặc Lactic Acid
- Benzoyl Peroxide
- Hương liệu
- Dầu cam, quýt, chanh, bưởi, Cam Bergamot
- Dầu oải hương
- Dầu gỗ đàn hương
- Cây thuộc họ Umbelliferae, trong đó bao gồm rau mùi tây, cà rốt, rau thì là, bạch chỉ, cây hồi, thì là, rau má...
Hy vọng những thông tin này có thể giúp bạn vừa phòng tránh được nguy cơ cháy nắng của da, vừa giúp bạn có phương pháp bảo vệ da tốt hơn, chữa lành vùng da cháy nắng nhanh chóng, hiệu quả, giúp da sáng khỏe dài lâu nhé!
- www.moontruong.com -